Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội,ữnghệlụykhitingiảpháttádebet đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ thường xuyên phải tiếp xúc với tin giả. Việc tiếp cận với tin giả có tác động tới công chúng trên nhiều mặt khác nhau và có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Thiệt hại kinh tế
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin giả, tin đồn thất thiệt có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm mất niềm tin vào các định chế lớn, làm tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế trong những giai đoạn nhạy cảm...
Ví dụ, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, loạt tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc một số doanh nghiệp ngoài nhà nước là các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán đã gây hoang mang cho nhà đầu tư. Điều này khiến cổ phiếu các doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số công ty đã có thông cáo báo chí để đính chính, trấn an các cổ đông, nhà đầu tư về tin đồn này nhưng cổ phiếu của các công ty này vẫn theo đà tiếp tục giảm mạnh.
An ninh quốc gia
Tin giả được phát triển trên cơ sở những vấn đề "nóng, nhạy cảm", gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp, ví dụ như các vấn đề về công tác nhân sự, tác động đến tâm lý cử tri, gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao từ đó ảnh hưởng an ninh quốc gia theo nhiều góc độ khác nhau. Trước mỗi kỳ bỏ phiếu, bầu cử, tin giả cũng thường xuất hiện dày đặc gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân lần đầu có thể không tin nhưng lần thứ hai, thứ ba thì cũng phải nghi ngờ.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, công nghệ phát tán, chia sẻ tin giả đan xen trên nền tảng các mạng xã hội nhanh tới mức không còn phân biệt được đâu là tin gốc, đâu là tin dẫn lại. Tin giả gây hiểu nhầm về các vấn đề về sắc tộc, tôn giáo, vùng miền có thể làm gia tăng căng thẳng, thậm chí tạo ra bạo lực, bất ổn an ninh - xã hội.
Tác động đến niềm tin của người dân
Tin giả góp phần làm suy giảm niềm tin vào báo chí truyền thống, gia tăng sự hoài nghi đối với các nền tảng truyền thông xã hội.
Những công cụ công nghệ mới với đặc tính của truyền thông xã hội và các nền tảng nhắn tin đã hạn chế các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng với tin tức, khiến cho việc giả mạo và bắt chước các thương hiệu tin tức chính thống trở nên dễ dàng.
Đối tượng tung tin giả có thể lan truyền một tin giả dưới dạng bài viết hoặc video clip bằng cách chỉnh sửa, lồng ghép hình ảnh một cá nhân vào bối cảnh có thực (ví dụ sử dụng hình ảnh nhân vật được ghép video có logo của VTV để quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc), biến sản phẩm này thành một tin có vẻ là thực và phát tán chúng trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Hậu quả của tất cả những điều này là tin giả, thông tin sai sự thật được thổi bùng bởi kỹ thuật số có nguy cơ làm lu mờ vai trò của báo chí.
Sức khỏe cộng đồng
Tin giả được lan truyền có thể gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Tin giả có thể làm các đợt bùng phát dịch bệnh thêm trầm trọng. Giáo sư Paul Hunter (thuộc Trường Y khoa Norwich của UEA) nêu ra thực trạng đáng lo ngại: "Mọi người thường chia sẻ lời khuyên sai trên mạng xã hội hơn là chia sẻ lời khuyên từ các nguồn đáng tin cậy như Cơ quan Y tế công cộng Anh hoặc Tổ chức Y tế thế giới".
Công chúng cũng có xu hướng tương tác với các "bong bóng thông tin" trên mạng do đó thông tin được chia sẻ có nhiều khả năng là những thông tin sai lệch hơn là thông tin chính xác.
Theo một nghiên cứu, việc ngăn chặn tin tức giả mạo, thông tin sai lệch và lời khuyên có hại trên mạng xã hội có thể cứu sống nhiều mạng người. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra, nếu giảm 10% tỷ lệ lời khuyên sai trên tổng số lời khuyên đang lưu hành (giả sử số lời khuyên sai trong tổng số các lời khuyên đang lưu hành là 50% sẽ giảm còn 40%) có thể cải thiện tình hình dịch bệnh, làm cho 20%
dân số không chia sẻ hoặc tin vào lời khuyên sai cũng có tác động tích cực tương tự.
Ngay sau khi Covid-19 bùng nổ vào tháng 2/2020, tin giả về dịch bệnh tràn ngập trên các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là "infodemic" (viết tắt của "information pandemic", tức "đại dịch thông tin") và tin giả là "căn bệnh thứ hai" tồn tại cùng Covid-19.
Nói về tác hại của tin giả, hay còn được gọi là "virus số" trong đại dịch, ông nhìn nhận: "Những thông tin giả mạo giữa lúc Covid-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời".
Nguyễn Phượng
Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp với Báo VnExpress, FPT Online phát động.TikTok Việt Nam là đơn vị đồng tổ chức.
Cuộc thi "Anti Fake News" trong khuôn khổ Chiến dịch Tin khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo nội dung liên quan đến việc chia sẻ thông tin tích cực, hạn chế tin giả, sai sự thật trên nền tảng TikTok. Thí sinh có thể thực hiện điệu nhảy "Anti Fake News", hát bài hát chủ đề do ban tổ chức công bố hoặc kể chuyện, diễn hoạt cảnh tình huống... và đăng tải trên ứng dụng này.
Sau hai vòng thi "Khởi tạo" và "Chung cuộc", ban tổ chức sẽ trao tổng giá trị giải thưởng đến 150 triệu đồng, gồm:
- Top 10 video xuất sắc nhất ở mỗi chủ đề
- Top 3 video xuất sắc nhất ở mỗi chủ đề
- 1 video truyền cảm hứng (số điểm được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí riêng)
- Top 5 nhà sản xuất nội dung tài năng
- 1 nhà sản xuất nội dung triển vọng
Độc giả xem thêm thông tin về chiến dịch và cuộc thi tại:
- Website:Chiến dịch Tin - Anti Fake News
- Fanpage:Anti Fake News